Trẻ sinh non bị suy hô hấp có nguy hiểm không?
Suy hô hấp là tình trạng mà hệ hô hấp không đủ khả năng để duy trì sự trao đổi khí đáp ứng được với nhu cầu của cơ thể. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh, trong đó nguyên nhân đầu tiên quan trọng nhất phải kể đến là do trẻ sinh non. Trẻ càng sinh thiếu nhiều tuần tuổi thì càng dễ bị suy hô hấp hơn.
Thiếu chất Sunfactant khiến trẻ sinh non bị suy hô hấp: Trẻ sơ sinh bị suy hô hấp chủ yếu là do bị xẹp phổi, đó là hệ quả của việc thiếu chất surfactant, một chất giảm hoạt bề mặt, có tác dụng làm duy trì tính ổn định của phế nang, từ đó giúp cho các phế nang không bị xẹp. Khi trẻ bị sinh non, có thể các cơ hô hấp cũng chưa phát triển đầy đủ, dẫn đến lồng ngực mềm nên phổi dễ bị xẹp hơn.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh rất dễ có nguy cơ suy hô hấp đối với các trường hợp sau: khi mẹ bị xuất huyết trước sinh, hạ thân nhiệt, trẻ bị ngạt,...
Bên cạnh đó, nếu người mẹ từng sinh con non tháng và bị suy hô hấp thì ở lần sinh sau cũng có nguy cơ cao sinh con bị suy hô hấp. Mẹ bị đái tháo đường sẽ khiến hàm lượng insulin của thai nhi cao hơn mức bình thường. Trường hợp mẹ sinh mổ mà chưa chuyển dạ, cũng là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị suy hô hấp, do quá trình chuyển dạ sẽ phóng thích surfactant và các hoóc môn kích thích sản xuất, dẫn đến việc tăng tái hấp thu dịch phổi qua hệ bạch huyết phổi. Vì vậy nếu được sinh mổ lúc bà mẹ chưa chuyển dạ, thì trẻ dễ bị thiếu surfactant và có lượng dịch trong phổi cao hơn bình thường.
- Trẻ mắc một số tổn thương hệ thần kinh trung ương như bị viêm não, xuất huyết não, bệnh tim bẩm sinh, viêm màng não, sang chấn sọ não, viêm phế quản, viêm phổi, có chướng ngại vật ở đường hô hấp như đờm dãi, tắc lỗ mũi sau, sữa cũng là nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ... Những nguyên nhân này sẽ khiến khả năng thích ứng của cơ quan nội tạng giúp duy trì chức năng hô hấp bị rối loạn, từ đó gây ra hiện tượng suy hô hấp.
2. Trẻ sinh non bị suy hô hấp có thể để lại di chứng không?
Sau khi sinh khoảng vài phút đến vài giờ, trẻ có thể xuất hiện hội chứng suy hô hấp nặng mà không thể tìm thấy các nguyên nhân như hít phải phân su, nhiễm khuẩn, ngạt nước ối,... với biểu hiện ban đầu là khó thở nhanh nông, số nhịp thở là trên 60 lần/phút. Các khoang liên sườn, hõm trên ức, cánh mũi phập phồng, co kéo, toàn thân tím tái. Khi cho thở ôxy không có dấu hiệu đỡ... Nếu nặng, các dấu hiệu khó thở, tím tái tăng lên, huyết áp hạ, thân nhiệt hạ thì trẻ có thể tử vong. Nếu nhẹ và được điều trị kịp thời, đúng cách thì sau khoảng 72 giờ trẻ có thể được cứu sống, các triệu chứng cũng giảm dần. Tuy nhiên, sau khi đã khỏi bệnh thì vẫn có thể để lại các di chứng cho trẻ như thiếu ôxy não, hạ đường huyết, xuất huyết não,...
Đối với trẻ sinh non bị suy hô hấp, nguyên tắc điều trị là dùng surfactant thay thế càng sớm càng tốt, thở ôxy, hỗ trợ hô hấp. Ngoài ra, bác sĩ còn áp dụng một số phương pháp hỗ trợ như bảo vệ thân nhiệt, hỗ trợ tuần hoàn, dinh dưỡng và điều trị nhiễm trùng.3. Các biện pháp phòng ngừa
Để phòng tránh việc trẻ sơ sinh có thể bị suy hô hấp nặng, điều đầu tiên và rất quan trọng là trong thời kỳ mang thai, thai phụ phải đảm bảo giữ sức khỏe, có chế độ dinh dưỡng, lao động, sinh hoạt phù hợp, thường xuyên khám và theo dõi thai để được tư vấn chăm sóc tốt nhất, phát hiện sớm nguy cơ để hạn chế tối đa tình trạng trẻ sinh non bị suy hô hấp, sinh con nhẹ cân.
Khi sinh, các mẹ phải đến cơ sở y tế uy tín, tuyệt đối không sinh con tại nhà. Sau đẻ, sản phụ và người chăm sóc cần biết cách theo dõi trẻ để nhanh chóng phát hiện những bất thường và có biện pháp xử lý kịp thời.